14 tháng 2, 2016

KINH NGHIỆM CHĂM CON TẠI PHÒNG HỒI SỨC CẤP CỨU VÀ ĐIỀU TRỊ TÍCH CỰC - NICU

KHI BỐ MẸ PHẢI CHĂM CON TẠI PHÒNG ĐIỀU TRỊ TÍCH CỰC - NICU

💟CÁC BẠN CÓ THỂ THAM GIA GROUP FACEBOOK CHĂM SÓC TRẺ SINH NON 53.000 THÀNH VIÊN ĐỂ CÙNG CHIA SẺ, HỌC HỎI KINH NGHIỆM NHÉ 💟

👉https://www.facebook.com/groups/1334294659943188

Các gia đình có con sinh non hoặc con bị bệnh nặng sau sinh phải hồi sức cấp cứu và điều trị tích cực thường cảm thấy sốc và lo lắng vì chưa chuẩn bị tinh thần cũng như tìm hiểu các thông tin liên quan đến vấn đề đang phải đối mặt. 

Việc bố mẹ chưa sẵn sàng và cảm thấy xa lạ với con là điều khó tránh khỏi, đặc biệt trong môi trường hạn chế của phòng NICU. Nhưng đây là thời điểm quan trọng để bạn và con tìm hiểu lẫn nhau và dần đảm đương vai trò mới là làm cha mẹ.

NHỮNG ĐIỀU CẦN LÀM

Hầu hết với mọi gia đình, giai đoạn con nằm tại phòng điều trị tích cực là chuỗi ngày căng thẳng với những thăng trầm của con. Những lời khuyên sau đây giúp bố mẹ đối mặt và giải quyết các vấn đề:
Cho phép mình khóc khi mọi thứ đi quá giới hạn
Bạn có thể e sợ rằng cho phép mình khóc là khi hoàn toàn sụp đổ và sẽ không thể vực dậy, nhưng điều đó là không đúng. Hãy giải tỏa những cảm xúc dồn nén để vững tâm và kiên cường bên con.
Thiết lập những thói quen sinh hoạt mới
Hãy tìm cách để cân bằng lại cuộc sống, cho phép mình ra ngoài khi có thể. Em bé cần bạn nhưng việc dành thời gian cho chính mình, gia đình hoặc con nhỏ ở nhà cũng rất quan trọng. Vẫn dành chút thời gian cho những sở thích hàng ngày như đi bộ hoặc tập thể dục... Những điều trên giúp bạn có thêm sức mạnh cả thể chất và tinh thần để tiếp tục chiến đấu cùng con.
Kết nối với các gia đình khác đã và đang chăm con tại phòng NICU
Các gia đình có cùng cảnh ngộ sẽ giúp chia sẻ được rất nhiều điều, từ những lo lắng, khó khăn cho đến kinh nghiệm và thông tin hữu ích. 
Ngoài ra cũng có rất nhiều nhóm chia sẻ cách chăm trẻ sinh non trên các diễn đàn mạng, facebook mà từ đó bố mẹ có thêm được nhiều kinh nghiệm bổ ích, giải đáp những thắc mắc lo lắng và sự đồng cảm từ các thành viên.
Đây là một số diễn đàn, nhóm chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc trẻ sinh non mà mình biết, mọi người có thể đọc và tham gia, sẽ giúp ích rất nhiều:

- Hội Các Mẹ Nuôi Con Sinh Non & Cực Non
http://www.webtretho.com/forum/f854/tre-sinh-cuc-non
Hội chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc trẻ sinh non, sinh cực non


Tìm kiếm sự phù trợ tâm linh
Bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi nói ra các vấn đề và nhận được lời khuyên giảng từ các sư thầy, linh mục... những người đại diện cho đức tin của mình. Dù trong bất kỳ tình huống nào, hãy luôn cầu nguyện cho con, ví dụ như Chú Đại Bi. Điều đó đồng thời cũng giúp bạn tĩnh tâm và thêm mạnh mẽ.
Viết nhật ký hành trình chăm con
Viết ra những cảm xúc của mình sẽ giúp giải tỏa phần nào những khó khăn đang phải đối mặt. Việc đó cũng củng cố lòng kiên nhẫn, niềm tin bằng cách nhắc nhở cho bạn biết bạn và con đã đi được chặng đường rất xa để có ngày hôm nay.
Nói ra những thất vọng
Nếu con lâm vào tình trạng tồi tệ hơn khiến bạn lại rơi vào cảm giác sợ hãi và lo lắng tột độ, hãy giãi bày với ai đó nỗi sợ đó và hi vọng vào những điều tốt đẹp ở phía trước.
Cho phép mình ăn mừng khi có thể
Khi con có những tiến triển tích cực, hãy cho phép mình tận hưởng niềm vui đó.
Tiếp nhận sự hỗ trợ của tất cả mọi người
Hãy để mọi người biết làm thế nào để giúp đỡ bạn và thoải mái tiếp nhận sự giúp đỡ đó.
Xung đột vợ chồng
Bạn và người bạn đời có thể có những suy nghĩ và phản ứng khác nhau trong các tình huống chăm con, hãy chia sẻ và lắng nghe để cùng đồng cảm và vượt qua giai đoạn khó khăn này.

ĐỂ TỰ TIN CHĂM SÓC CON TẠI PHÒNG NICU

Bạn cảm thấy không tự tin và lo lắng khi chăm sóc một thành viên bé nhỏ là điều rất bình thường. Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn thêm tự tin khi chăm con tại bệnh viện:
Bỡ ngỡ, vụng về là không thể tránh khỏi
Nếu đây là con đầu lòng, hãy tự nhủ rằng tất cả các bố mẹ khác đều thấy bỡ ngỡ và vụng về như vậy chứ không chỉ riêng mình. Thậm chí người đã có kinh nghiệm thì chăm sóc con sinh non tại phòng NICU với những đòi hỏi và yêu cầu riêng cũng không thể tránh khỏi cảm giác đó. Vì vậy đừng tự trách mình!
Hãy kiên nhẫn với chính mình 
Khi gặp những khó khăn, vụng về trong lúc chăm sóc con, hãy cho mình thời gian để học hỏi, làm quen và thích nghi với những điều mới.
Nếu bạn sợ phạm sai lầm hoặc có những việc không chắc chắn, hãy nói với y tá để nhận được hướng dẫn cụ thể.

KIỂM SOÁT RỐI LOẠN CẢM XÚC SAU SINH

Những thay đổi về thể chất và nội tiết tố có thể làm nhiều bà mẹ sau sinh rơi vào tình trạng rối loạn cảm xúc dẫn đến trầm cảm. Nếu không thể thoát khỏi những cảm giác khó chịu như lo lắng, buồn bã, mệt mỏi, thất vọng...hãy nói với người thân của mình như chồng, bạn bè để cùng bạn vượt qua những cảm xúc tồi tệ đó.

KHI NÀO CẦN TƯ VẤN TỪ CHUYÊN GIA TÂM LÝ


  • Khi bạn không thể tự mình trấn an tâm lý và ngày càng thấy bế tắc.
  • Khi vợ/chồng, người thân hoặc các nhóm, hội cha mẹ cùng hoàn cảnh không đủ giúp bạn cảm thấy khá hơn.
  • Không còn thấy được những niềm vui khác trong cuộc sống và cảm thấy dường như bị tách rời khỏi xã hội.
  • Khó để thức dậy và không muốn bắt đầu một ngày mới. Bạn thấy mình không thể đảm đương được các công việc thuộc trách nhiệm của mình.
  • Thấy xa lạ, xa rời với con.
  • Khi tinh thần hoảng loạn, nhầm lẫn, ảo tưởng, luôn có ý nghĩ muốn làm tổn thương chính mình hoặc ai khác, cảm thấy muốn tự tử...hãy cố gắng nói với người thân và tìm kiếm sự chăm sóc y tế hoặc tư vấn tâm lý ngay lập tức.
Trích từ tập sách March of Dimes, "Parent: You & Your Baby In NICU"
Tre sinh non dieu tri tich cuc
Minh An (Biên dịch)